BÁT TRÀNG – VĂN HOÁ TẢO MỘ NGÀY MÙNG 6 TẾT

 

Có lẽ mọi người không còn lạ lẫm với các câu thơ về ngày tảo mộ trong Truyện Kiều:

Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Riêng Bát Tràng thì có lạ hơn đôi phần về tục lệ tảo mộ.

Xa xưa, phần đông các làng quê Việt tổ chức tảo mộ vào tháng Chạp, về sau chuyển vào tiết Thanh Minh. Ở Bát Tràng thì diễn ra vào ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch. Nguyên nhân sâu xa là do làng có nhiều người đi làm quan, làm công chức, hoặc đi làm ăn xa, tranh thủ ngày cuối cùng của đợt nghỉ tết hàng năm đi thăm mộ tổ tiên; hoặc những ai đi xa không kịp về những ngày trước tết, thì ra tết cũng cố gắng thu xếp về chơi và đi tảo mộ, để kịp trở lại công sở hoặc nơi làm ăn vào dịp “Khai hạ”.


Ngày mồng 5 tết và sáng sớm ngày mồng 6, nhà nào nhà nấy tất bật sửa soạn lễ và đồ ăn. Nhà con trưởng sẽ thường phải phải đảm nhiệm chính việc sắm lễ ứng với số mộ đi thăm. Nhà nào có kinh tết trung bình cũng sẽ sắm xôi, gà, chân giò luộc, hương hoa, trà quả cùng vàng mã. Nhà có hoàn cảnh khó khăn thì chỉ có trà quả, hương nến cùng trầu rượu. Nhà con thứ cũng dậy sớm, sang phụ giúp nhà trưởng. Ngoài lễ vật, phải chuẩn bị đầy đủ các đồ ăn theo bát, theo đĩa, dao thớt, và cả vài chiếc chiếu. Mỗi nhóm đi tảo mộ thường là một gia đình, ít khi đi xé lẻ thành từng gia đình nhỏ. Ai cũng mặc tươm tất như đi dự lễ, hay đi xem hội, nhất là trẻ nhỏ, quần áo đủ sắc màu.


Sáng sớm ngày mùng sáu, từng đoàn, từng đoàn, từng đoàn người Bát Tràng rời làng đi về phía đồng các làng Khoan Tế, Đào Xuyên và Thượng Tốn – các làng ở về phía nội đê, gần Bát Tràng nhất, có phong cảnh “sơn thủy hữu tình”; triền đất đẹp, đủ thấp cao, gò đống ngổn ngang nhiều hình dáng, không quá bằng phẳng như đồng ruộng ở các làng khác, trông như một bức tranh thủy mặc.

Thông thường, các gia đình đi tảo mộ theo lộ trình từ các nơi xa trước, rồi lùi dần về khu tam giác Đào Xuyên, Thượng Tốn và Khoan Tế - là khu vực tập trung nhiều mộ của các dòng họ nhất. Đến mỗi khu vực, các gia đình bày lễ vật lên mộ của cụ có ngôi vị cao nhất, trưởng nam thắp hương khấn vái; rồi mỗi người một việc: rẫy cỏ, phát cây, đắp thêm đất cho từng ngôi mộ. Người lớn cuốc hoặc xắn đất, trẻ con khuân đất, các bà chuẩn bị nước nôi; nét mặt ai cũng vui vẻ, phấn khởi, vì buổi đầu năm, được làm một công việc ít khi có ở trong làng.


Có là người Bát Tràng mới thưởng thức được hết sự hứng thú, cái hay cái đẹp của ngày đi tảo mộ. Người dân Bát Tràng quanh năm suốt tháng miệt mài trong lò gốm, trong các công việc nghề buôn, một số ít “vùi đầu” trong các công sở; mấy ngày tết lại bận rộn với việc thăm họ hàng, bạn bè; đến ngày này được du xuân, đến với đồng ruộng thấy rạch, ngòi, gò, đống, chân đi lên cỏ mát rượi; tạo ra sự thanh thản và càng thanh thản hơn khi nghĩ đến đoạn thơ chị em nàng Kiều đi tảo mộ. Rồi ăn một bữa ngoài trời với các món lạ miệng, vì toàn thức ăn nguội, vừa ăn vừa chuyện trò và ngắm phong cảnh, ai nấy đều vui vẻ, nhất là trẻ nhỏ, tay cầm nắm xôi, tay cầm miếng thịt, vừa ăn vừa chạy khắp đồng.
(Nguồn tư liệu tham khảo: sách Bát Tràng làng nghề làng văn)