KHÔNG GIAN NGHỀ GỐM BÁT TRÀNG XƯA & NAY

Yêu nghề, yêu những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông không gì bằng việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị đó trong lòng công chúng hôm nay. Đó là cách mà bà Hà Thị Vinh – hậu duệ đời thứ 15 dòng họ Hà Bát Tràng đã thổi hồn vào Không gian nghề gốm Bát Tràng xưa & nay để lữu giữ tinh hoa “hồn đất” của nghề sản xuất gốm Bát Tràng.

Không gian trưng bày nghề gốm Bát Tràng Xưa và Nay được bố trí ở tầng 2, tòa nhà khối bàn xoay, với tổng số gần 1000 hiện vật trưng bày, trên diện tích gần 500m2. Nội dung trưng bày tập trung vào các chủ đề chính: Tinh hoa gốm Bát Tràng xưa; Hành trình chuyển cư của cư dân làng Bát; Sản xuất gốm Bát Tràng trong lịch sử; Tri ân những người con làm nghề Bát Tràng tài hoa; Tinh hoa nghề gốm hội tụ và lan tỏa, Thư viện nghề gốm.

Bước vào không gian trưng bày Tinh hoa nghề gốm xưa là 71 hiện vật có niên đại từ thế kỷ 13 – thế kỷ 20, gồm các loại hình như, đồ gia dụng, đồ trang trí kiến trúc, đồ ký kiểu… với kiểu dáng đa dạng và nhiều kích thước khác nhau. Trên mỗi hiện vật phủ những màu men đặc trưng như, men lam, men lục, men ngà rạn, men ngọc… cùng với đó là các đề tài trang trí được khai thác từ những mô tuýp dân gian, đời thực hay các điển tích, điển cố của Trung Quốc như Ngư ông đắc lợi, Tô Vũ chăn dê, Tùng – Lộc, Anh hùng tương ngộ…

Hành trình chuyển cư của các dòng họ làng Bát Tràng xưa được lột tả qua hình ảnh con thuyền – một biểu tượng cho phương tiện chuyên chở con người vật dụng và chở cả những ước mơ, khát vọng của những con người lao động đã dám vượt ra khỏi rào cản của lũy tre làng để vươn ra đi tìm vùng đất mới để lập nghiệp của cha ông cư dân làng Bát xưa. Một cuộc thiên di vĩ đại của các dòng họ làm gốm ở vùng Bồ Bát, Yên Mô, Ninh Bình ngược sóng Hồng Hà ra Thăng Long dựng phường lập nghiệp tạo nên làng gốm Bát Tràng ngày nay. Thuyền cũng là phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu về cho làng sản xuất nghề và từ đây thuyền mang sản phẩm làng nghề đi khắp muôn nơi để bán, trao đổi và buôn các mặt hàng nước mắm, cau khô về bán cho các làng quanh vùng, tạo nên sự đa dạng cho làng nghề.

Bước vào Không gian sản xuất nghề gốm, chúng ta sẽ thấy rất nhiều những đồ dùng, hiện vật thể khối lớn đó là nguyên, nhiên liệu, phương tiện, cơ sở nhà xưởng, lò sản xuất gốm… Ở đây trưng bày các loại đất để làm bao nung, làm hàng chủ yếu được khai thác ở các vùng lân cận như Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc; Những nguyên liệu tiêu biểu như củi, than… được sắp xếp, bài trí rất thực như sự vốn có của làng nghề những năm đầu thế kỷ 20. Mỗi loại hình nhiên liệu là một cách sắp xếp riêng, lột tả chân thực bức tranh của làng nghề Bát Tràng, với đặc điểm đất chật, người đông, cơ sở sản xuất cần nhiều diện tích nên mọi không gian đều được tận dụng để làm nghề. Bên trong là những bức tượng được làm từ đất nung mô phỏng lại một số công đoạn làm gốm thủ công truyền thống của người Bát Tràng xưa cho thấy, để tạo ra được một sản phẩm gốm sẽ phải qua nhiều công đoạn và sử dụng nhiều nhân lực. Đặc biệt, tái tạo lại 3 trong số các loại lò nung tiêu biểu của làng gốm Bát Tràng thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 20. Nhìn những sản phẩm gốm cổ được trưng bày ở không gian này, công chúng tham quan sẽ hiểu được quá trình từ “bùn đất hóa nên vàng” diễn ra như thế nào. Lý giải vì sao, gốm Bát Tràng trở thành sản phẩm được ưa chuộng, là vật phẩm, quà tặng có giá trị trong giới quan lại, nhà giàu và là đồ xuất khẩu được ưa chuộng tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Á…

Tri ân những vị tiền bối, những người có đóng góp cho sự phát triển của làng nghề đó là Không gian tưởng niệm nghệ nhân Lê Văn Vấn – một người con của dòng họ Lê Bát Tràng. Ông là giảng viên đầu tiên khoa gốm của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Bằng những kinh nghiệm làm nghề của mình với khát vọng muốn truyền dạy, lưu giữ nghề cho con cháu, ông đã hệ thống hóa những kiến thức về nghề làm gốm thủ công thành giáo trình có hệ thống khoa học đưa vào giảng dạy tại trường. Từ đó, nâng tầm giá trị khoa học cho một làng nghề vốn chỉ sản xuất thủ công theo tính cha truyền con nối và từ đây bao lớp nghệ nhân của làng nghề đã trưởng thành đóng góp vào sự thành công chung của làng gốm Bát Tràng ngày nay.

Đi hết không gian truyền thống, khách tham quan sẽ nhìn thấy một màu sắc tươi mới hơn, với sự đa dạng của các dòng sản phẩm. Đó là không gian giới thiệu về các sản phẩm của những nghệ nhân là con em của 19 dòng họ sản xuất gốm hiện nay của làng Bát Tràng - những con người đã dành cả cuộc đời để khôi phục, phát triển nghề gốm của cha ông. Mỗi nghệ nhân có một màu sắc và dòng sản phẩm khác nhau, nhưng vẫn trên tinh thần hội tụ tinh hoa của cha ông và lan tỏa những giá trị tốt đẹp lên sản phẩm để gốm Bát Tràng mãi trường tồn với thời gian.

Cuối cùng là không gian trưng bày những mẫu vật, mảnh thử xương, men và các sản phẩm gốm lỗi, hỏng để thấy được sự thành công đến từ những thất bại. Để Bát Tràng có được như ngày hôm nay là hàng trăm năm hun đúc, kinh nghiệm của bao lớp cha ông gây dựng nên, chúng ta càng trân trọng, gìn giữ tốt hơn những giá trị di sản mà cha ông đã để lại, như đôi câu đối Đình làng Bát đã viết:

Bạch Bát chân truyền nê tác bảo

Hồng lô đào chú thổ thành kim

(Từ Bạch Bát nhờ nghề, bùn thành vật quý

Lò rực hồng hun nặn, đất hóa nên vàng).

Địa chỉ: Tầng 2, Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt, số 28, đường Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội.

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ hotline: 0866 959 288

Facebookhttp://tinhhoalangnghe.com/vi/c/category-4/homestay-p1.html

Chúc Quý khách một kỳ nghỉ vui vẻ!