Giới thiệu
Bát Tràng là một trong những địa điểm du lịch khá thú vị, nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20 km. Làng gốm Bát Tràng hình thành từ sự chung tay, góp sức của 23 dòng họ mang nghề tư quê cũ ra dựng phường lập nghiệp; nay chỉ còn 19 dòng họ gốc vẫn quần tụ nối nghiệp cha ông phát triển nghề ngày càng thịnh vượng. Để tri ân công đức tổ nghề, công ơn đối với tổ tiên, với một ước nguyện gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của nghề gốm và làng văn Bát Tràng nói riêng, sự kết nối giữa các giá trị truyền thống làng nghề Việt nói chung, bà Hà Thị Vinh - hậu duệ đời thứ 15 của dòng họ Hà Hữu, công dân ưu tú của Thủ đô Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội các làng nghề Việt Nam... đã dành hết Tâm và Tài của mình để xây dựng nên Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt.
Công trình được nung nấu ý tưởng từ hơn 10 năm trước và chính thức hoàn thành phần xây dựng cơ bản năm 2018 trên diện tích 3.300 mét vuông.
Kiến trúc tòa nhà được lấy cảm hứng từ những khối bàn xoay “vuốt gốm” truyền thống, giao thoa, nhào nặn với những mặt cong đa diện, chuyển động mềm mại và tự do đã tạo nên công trình độc đáo này. Với 7 trụ xoay, kích thước và kiểu dáng không giống nhau tạo nên sự khác biệt rất riêng như chính nghề sản phẩm thủ công truyền thống. Hình ảnh những đường chỉ ngang trượt theo mặt cong như sự tiếp nối của dòng chảy sông Hồng, từ ngàn năm nay đã ôm trọn làng gốm. Tông màu chủ đạo là nâu đất, chính là màu của đất sét - nguyên liệu sản xuất gốm truyền thống và cũng là màu của phù sa của dòng sông Hồng, bồi đắp nên sự trù phú, thịnh vượng cho làng nghề gốm Bát Tràng. Tòa nhà hướng mặt ra dòng sông Bắc Hưng Hải, một công trình trị thủy đầu tiên của miền Bắc nước ta được khởi công xây dựng từ năm 1958 có ý nghĩa rất lớn trong việc điều hòa dòng chảy, tránh sự xói mòn do lũ của sông Hồng làm lở làng. Nay dòng sông hiền hòa, tạo cảnh quan xanh mát cho làng.
Trong lịch sử, cha ông làng Bát ra Thăng Long sản xuất gạch phục vụ cho việc xây dựng kinh thành và cả các công trình lăng tẩm của Cung đình Huế sau này và không khó hiểu khi nó trở thành niềm mơ ước của bao chàng trai:
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Tại công trình có con đường lát gạch do Công ty gốm sứ Quang Vinh phục chế lại theo phương thức sản xuất truyền thống, đó là nung nhiệt độ cao 12500C với nguyên liệu củi thông đã tạo nên màu sắc giống với sành, đanh, chắc, bền với thời gian, đặc biệt không bị bám rêu khi trời mưa. Tất cả được sắp xếp theo những tuyến tính khác nhau nhắc nhớ về một sản phẩm đã làm nên thương hiệu cho làng nghề và sự dịch chuyển dòng sản phẩm của nghề đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Nối tiếp giữa nền và tường nhà là các khối gốm uốn cong mềm mại được ghép từ các mảnh gốm có màu xanh lam, trên có thác nước chảy xuống tạo sự hòa quyện gắn kết giữa “Thủy” và “Thổ” (đất và nước) nhào nặn nên sản phẩm gốm thô, phủ men lam - màu men xuất hiện phổ biến trên sản phẩm gốm Bát Tràng thế kỷ XIV - XV.
Với thiết kế 5 tầng nổi, 1 tầng hầm và hai bên có hai dãy nhà 2 tầng 4 mái lợp ngói, có các công năng:
Tầng 1 của công trình là không gian đón tiếp khách tham quan và các gian hàng bày bán sản phẩm tinh hoa của các làng nghề Việt, nơi giới thiệu và bán các sản phẩm tiêu biểu của các làng nghề thủ công truyền thống. Trong đó có gần 50 gian hàng thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của Việt Nam, các sản phẩm đạt chất lượng OCOP, chiếm phần lớn trong đó là các sản phẩm gốm của làng Bát Tràng.
Tại đây còn có không gian Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng, nơi mà sự kết hợp giữa điêu khắc truyền thống của các vật liệu: gốm, gỗ, đồng, đá… và ánh sáng tạo nên những tác phẩm tranh ấn tượng và độc đáo. Chủ nhân của công trình này là Bùi Văn Tự, chàng trai sinh năm 1992 - tác giả của bộ môn Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Những tác phẩm được tạo nên lấy cảm hứng từ đức Phật, hay những câu chuyện văn học, doanh nhân, nghệ sỹ. Từ đây, nhiều hình ảnh sẽ được hiện lên nhờ kỹ thuật ánh sáng, tạo cho người xem một sự liên tưởng đẹp đẽ về cuộc sống, nhân sinh.
Tầng 2 của tòa nhà hình bàn xoay là không gian dành cho trưng bày cố định và chuyên đề của Không gian nghề gốm Bát Tràng xưa & nay. Có thể nói, sau khi ra đời, Không gian nghề gốm Bát Tràng Xưa & Nay là linh hồn của Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt. Đây là nơi bà Hà Thị Vinh đã dành nhiều tâm sức để xây dựng thành một nơi lưu giữ những tinh hoa, hồn cốt của nghề sản xuất gốm Bát Tràng. Ở đây, quý khách sẽ cảm giác như đang đi vào lòng của lò gốm thủ công xưa. Xung quanh là những bức vách, ngăn lò chất chồng sản phẩm gốm với gam màu nền đất chủ đạo, thỉnh thoảng lấp ló ánh sáng bập bùng của lò khi nung. Tổng diện tích dành cho trưng bày Bảo tàng là 500m2, với các chủ đề chính:
- Sự hình thành nghề và làng gốm Bát Tràng
- Câu chuyện về quy trình sản xuất gốm của làng Bát Tràng.
- Ngôi nhà tưởng niệm mô phỏng lại gian nhà của nghệ nhân Lê Văn Vấn.
- Không gian tôn vinh, giới thiệu về các sản phẩm của những nghệ nhân thuộc 19 dòng họ sản xuất gốm hiện nay của làng Bát Tràng - những con người đã dành cả cuộc đời để khôi phục, phát huy và phát triển nghề gốm của cha ông.
- Cuối cùng là không gian trưng bày rất khiêm tốn nhưng chứa đựng giá trị lớn, đó là không gian nghiên cứu về nghề gốm. Đây là không gian dành cho những công chúng quan tâm sâu đến nghề sản xuất gốm và nghiên cứu về gốm.
Tầng 3 của toà nhà là Trung tâm nghệ thuật đương đại và Homestay Art.
- Trung tâm nghệ thuật đương đại là không gian triển lãm, đấu giá của các tác phẩm nghệ thuật đạt chuẩn quốc tế do Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn Delat sáng lập, trong đó có gốm, các tác phẩm nghệ thuật và các tác phẩm tranh của những hoạ sĩ nổi tiếng.
- Homestay Art gồm 9 căn phòng có thiết kế độc đáo khác nhau dành cho du khách nghỉ ngơi trong hành trình du lịch khám phá làng nghề. Nội thất trong mỗi căn phòng được sắp xếp bài trí bằng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề khác nhau như mây tre đan, sơn mài, khảm trai… để du khách tận hưởng không gian nghỉ ngơi hoà quyện với những giá trị văn hoá của làng nghề.
Tầng 4 của toà nhà là Hội trường Cung Đình, Nhà hàng Tinh Hoa và Cafe Nghệ nhân.
- Hội trường Cung Đình tái hiện không gian cung đình, được trang bị bởi hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn cho những sự hội nghị, sự kiện quy mô lên đến 300 khách.
- Nhà hàng Tinh Hoa: Với những món ăn truyền thống do chính người làng Bát Tràng thể hiện sẽ mang đến cho thực khách hương vị rất riêng của làng Bát Tràng. Từ món ăn bình dân truyền thống đến các món cỗ dành cho tiệc cưới, hỏi, lễ… với số lượng lớn hơn 200 người.
- Cafe Nghệ nhân là không gian cafe thoáng mát. Đứng ở vị trí này, quý khách có thể nhìn ngắm một cách bao quát nhất về dòng sông Bắc Hưng Hải.
Tầng 5 của toà nhà là Hương Sa Trà: Hương Sa Art House & Nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. Đây là tầng cao nhất, nơi có không gian yên tĩnh, quý khách có thể vừa thưởng trà, vừa ngắm nhìn toàn cảnh không gian làng Bát, nghe nhạc thư giãn và nghỉ ngơi.
Xuất phát từ nguồn cảm hứng với chiếc bàn xoay của người thợ gốm, không gian dưới tầng hầm (tầng G) có tên gọi là “Bàn Xoay studio” với trải nghiệm nhập vai “Tôi làm nghệ nhân”. Bên cạnh đó, tổ hợp Trung tâm còn có không gian trưng bày và dịch vụ Cafe Điện báo ngoài trời bên cạnh bờ sông Bắc Hưng Hải.