Bát Tràng - điểm đến hút khách ở Thủ đô

Nằm ở ngoại thành Hà Nội, Bát Tràng được biết tới bởi bề dày truyền thống lịch sử và văn hóa làng nghề đặc sắc. Cùng với việc bảo tồn, phát huy giá trị của tài nguyên; đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất, dịch vụ… du lịch làng nghề Bát Tràng đang nở rộ và là điểm đến hút khách của Thủ đô.

Nỗ lực xây dựng điểm đến

Quyết định số 3936/QĐ - UBND ngày 23/7/2019 của UBND Tp. Hà Nội đã công nhận Bát Tràng là điểm đến du lịch. Ngay sau khi có quyết định, UBND xã Bát Tràng đã tập trung quy hoạch lại không gian làng nghề, một số hộ tập trung cho sản xuất, một số hộ được địa phương hỗ trợ chuyển sang hoạt động dịch vụ, khai thác lưu trú, ẩm thực, tạo ra sự đa dạng dịch vụ tại Bát Tràng. Mặt khác, Bát Tràng đã phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Gia Lâm lập bản đồ ranh giới du lịch xã Bát Tràng; lập hồ sơ đề nghị công nhận Nghề truyền thống gốm sứ Làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”; tư liệu hóa, số hóa các di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, ẩm thực, nghề truyền thống gốm sứ… phục vụ công tác bảo tồn và giới thiệu với du khách. Xã Bát Tràng đồng thời kiểm tra, rà soát các di tích, nhà cổ, nhà thờ họ xuống cấp đề xuất, phương án tu bổ, tôn tạo, gắn với phát triển du lịch; tham mưu huyện Gia Lâm triển khai thực hiện kế hoạch bảo tồn, chỉnh trang điện chiếu sáng, xây dựng hạ tầng tiêu thoát nước, xử lý nước thải, lát gạch bát hệ thống đường giao thông, chỉnh trang mặt tiền, tường cổ, nhà cổ trong khu vực làng cổ Bát Tràng; vận động tổ chức, cá nhân xây dựng 01 Gallery “Bát Tràng Xưa và Nay” giới thiệu những bức ảnh quý hiếm về Bát Tràng để đưa vào phục vụ giới thiệu với du khách…

Các bạn trẻ trải nghiệm tô màu và vuốt gốm - Ảnh: Bá Phúc

Nói về nỗ lực xây dựng điểm đến Bát Tràng, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Văn May cho biết, việc bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống gắn với du lịch được Tp. Hà Nội coi là cốt lõi tại Bát Tràng, đã giúp địa phương quy hoạch lại tổng thể; đầu tư đồng bộ về giao thông, kết nối hạ tầng, điện, nước, xây dựng các trung tâm giới thiệu sản phẩm, bảo tàng gốm sứ, quy trình sản xuất… Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Văn May nhấn mạnh: “Bát Tràng đã phối hợp với các công ty công nghệ triển khai du lịch 4.0, số hóa toàn bộ các dữ liệu về điểm di tích, tour du lịch, điểm mua sắm đạt chuẩn, giới thiệu làng nghề bằng nhiều ngôn ngữ, phủ sóng wifi miễn phí tại 19 điểm tham quan tập trung đông khách du lịch, tiến tới phủ sóng trong toàn bộ xã… Ngày 5/10 vừa qua, xã Bát Tràng tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về hoạt động du lịch cộng đồng cho lãnh đạo, cán bộ và nhân dân xã Bát Tràng. Tới đây, ngày 9/10/2019 sẽ tổ chức lễ đón nhận quyết định và công bố điểm du lịch địa phương với nhiều hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá và thu hút khách du lịch đến Bát Tràng: chiếu phim phóng sự “Du lịch Bát Tràng – Tinh hoa hội tụ”; khởi động cổng thông tin điện tử và app du lịch Bát Tràng; tham quan, trải nghiệm các sản phẩm du lịch, sản phẩm du lịch thông minh; ra mắt các doanh nghiệp du lịch địa phương; tổ chức hội chợ phiên văn hóa du lịch Bát Tràng; rước tổ nghề gốm sứ làng nghề truyền thống Bát Tràng; rước 60 sản phẩm tặng trưng bày tại tòa nhà Quốc hội. Đặc biệt, nhiều hoạt động thu hút khách du lịch cũng được tổ chức dịp này: Khánh thành và ra mắt tổ hợp du lịch văn hóa Bát Tràng chợ chiều – điểm đến ngàn năm; khánh thành và ra mắt không gian nhà cổ Tràng An, giới thiệu ẩm thực Bát Tràng của Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Diệu Hoài; khánh thành và ra mắt không gian gốm của Nghệ nhân ưu tú Tô Thanh Sơn; giới thiệu và thao tác chế biến ẩm thực chay tại chùa Kim Trúc; mở cửa đón khách tham quan các di tích lịch sử văn hóa tại làng; tổ chức khai trương các dịch vụ và khuyến mại, tặng quà khách du lịch…”.

Chú trọng mô hình du lịch cộng đồng một cách bài bản

Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy – Khoa Du lịch học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, “Bát Tràng có nhiều điều kiện để làm du lịch cộng đồng; làm bài bản sẽ tốt cho bà con cũng như cho sự phát triển du lịch chung của địa phương. Du lịch cộng đồng là phải tính đến lưu trú, ăn uống, không chỉ đơn thuần có tham quan, mua sắm và trải nghiệm như lâu nay Bát Tràng đã làm. Bên cạnh đó, Bát Tràng cũng cần tăng cường xây dựng điểm đến, cung cấp dịch vụ để tăng tính hấp dẫn và kéo dài thời gian lưu trú của du khách”.

Đến Bát Tràng, du khách không chỉ được tìm hiểu về văn hóa làng nghề mà còn được trải nghiệm các quy trình sản xuất, thưởng thức ẩm thực truyền thống và có thể lưu trú tại những ngôi nhà cổ. Tuy nhiên, phần lớn các dịch vụ còn mang tính tự phát và do người dân tự mày mò, tìm hiểu cách làm. Ông Trần Đức Hiệp ở thôn 1 Bát Tràng bày tỏ quan điểm: “Du lịch ở Bát Tràng hiện vẫn còn manh mún. Cần lắm sự vào cuộc của Sở Du lịch, UBND huyện, UBND xã để hỗ trợ bà con làm du lịch một cách bài bản. Làm Du lịch phải làm từ gốc, phải đưa người Bát Tràng đi tham gia những lớp học, bổ sung kiến thức bài bản rồi về tổ chức hoạt động du lịch, đón tiếp khách, giới thiệu sản phẩm... Ngược lại, các hộ dân sau khi bán được sản phẩm thì phải đóng góp một phần kinh phí hỗ trợ, duy trì hoạt động du lịch chung của địa phương”.

Một trong những ngôi nhà cổ được bảo tồn nguyên vẹn - Ảnh: Linh Tâm

Theo thống kê, Bát Tràng hiện còn 23 ngôi nhà cổ đều được bảo tồn nguyên vẹn. Nhưng không ít gia đình cảm thấy khó khăn trước bài toán giữ lại hay bán bởi những ngôi nhà này đều có giá trị kinh tế rất cao. Bà Phạm Thị Thu Hoài, Phó Chủ tịch HĐND xã Bát Tràng chia sẻ, để vận động người dân giữ lại những ngôi nhà cổ có giá trị, cần phải hài hòa được cả lợi ích kinh tế lẫn trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa của các gia đình cũng như cộng đồng. “Chúng tôi có trách nhiệm sát cánh cùng người dân để giữ gìn những di sản quý báu ấy cho các thế hệ sau này. Bởi thế, phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi phù hợp cần được nhân rộng tại Bát Tràng”.

Bên cạnh việc triển khai một loạt những kế hoạch, hiện nay Bát Tràng đang khởi động cổng thông tin điện tử và app du lịch Bát Tràng. Việc làm này không chỉ tạo thuận lợi cho du khách mà còn tranh thủ công nghệ 4.0 để quảng bá hình ảnh: đưa vào sử dụng bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ thương mại Bát Tràng; cung cấp thông tin thuyết minh tự động tại các điểm tham quan cũng như hệ thống du lịch thông minh qua ứng dụng trên điện thoại; kết nối du khách và bảo đảm cung cấp thông tin chính thống…