Ngành thủ công mỹ nghệ truyền thống Hà Nội – triển vọng và thách thức trong quá trình xây dựng và phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô

Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt trân trọng giới thiệu bài tham luận của bà Hà Thị Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh tại Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” (Nghị quyết số 09-NQ/TU) do Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 16-8-2022.

Kính thưa các vị lãnh đạo thành phố, kính thưa ban tổ chức, các vị khách quý và quý vị đại biểu.
Hà Nội là đất trăm nghề, có tới 1350 làng có nghề, trong đó có 317 làng nghề truyền thống, có nhiều làng nghề đã lên tới hàng ngàn năm tuổi, ít ra thì cũng hàng trăm năm tuổi. Nơi đây theo dòng thời gian của lịch sử, đã lưu giữ biết bao hồn cốt, tinh hoa của dân tộc nói chung và Thăng Long Hà Nội nói riêng. Từ bao giờ, khi mà chưa có sản xuất công nghiệp thì các vật dụng thiết yếu phục vụ cho dân sinh đều được sản xuất từ trong các làng nghề mà ra, 36 phố phường cổ của thủ đô là chợ, là phường bán các sản vật của các làng nghề từ xa xưa như: Phố Bát Đàn, Bát Sứ ngày xưa chủ yếu là người Bát Tràng ở để mở cửa hàng bán các sản phẩm sản xuất từ trong làng gốm Bát Tràng. Hay như phố Hàng Bạc còn có cả đình làng kim hoàn Châu Khê để con dân Châu Khê thuộc Hưng Yên được bái vọng Thành Hoàng làng từ phố Hàng Bạc – Hà Nội. Hay phố Tô Lịch xưa, chủ yếu là người làng nghề gỗ Nhị Khê ở để kinh doanh, hành nghề…
Kính thưa hội nghị:
Chúng ta có thể khẳng định rằng, các làng nghề của thủ đô của chúng ta với bề dày lịch sử, bề dày văn hoá của muôn đời đang lưu giữ hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện vô cùng hay, được tích góp từ đời nọ nối đời kia của ông cha, tổ nghiệp mà đến nay vẫn chưa được kể là bao. Vậy chúng tôi thiết nghĩ, đến giai đoạn lịch sử này, đã đến lúc chúng ta phải được kể, được vinh danh, được tri ân ông cha tổ nghiệp của mình.
Kính thưa hội nghị:
Tôi xin thay mặt các làng nghề của cả nước, đặc biệt thay mặt 1350 làng có nghề trong đó có 317 làng nghề truyền thống của thủ đô, với tư cách là Phó chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam và Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ (TCMN) và Làng nghề Hà Nội, tôi xin cảm ơn Thành uỷ Hà Nội, cảm ơn Ban tổ chức đã cho tôi được tham luận trong Hội nghị quan trọng này. Chúng tôi cũng xin bày tỏ sự vui mừng và đánh giá cao thành uỷ đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 “Về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết quan trọng này đã cho cộng đồng các làng nghề, trong đó có các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống của Thủ đô được kể thật nhiều câu chuyện hay của nhiều đời ông cha tổ nghiệp mình đến với du khách trong nước và quốc tế, góp phần làm rạng danh cho bức tranh thêu thật đẹp, về bản sắc văn hoá, con người Việt Nam ta trong giai đoạn Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới.
Kính thưa hội nghị:
Trên tinh thần này, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội nhiệm kỳ qua đã định hướng rất rõ nhằm tìm hướng đi mới cho hoạt động của Hiệp hội, góp phần thúc đẩy tích cực hoạt động phát triển kinh tế, gìn giữ lịch sử văn hoá truyền thống nhiều đời trong các làng nghề thành viên của Hiệp hội. Vì vậy năm 2018, Hiệp hội đã chọn và phối hợp với Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh là chủ đầu tư để xây dựng lên một mô hình thử nghiệm tại Làng gốm cổ Bát Tràng với tên gọi “Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt” với diện tích 3300 m2 mặt sàn trên 6 tầng. Phần ý tưởng và mục tiêu thiết kế, cũng như mục tiêu sử dụng gói trọn được thống nhất với kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, phải làm sao để công trình này là một bảo tàng mở, có câu chuyện nghề ngay từ trong kiến trúc đến toàn bộ nội hàm hoạt động của nơi đây.
Kính thưa hội nghị:
Sau 4 năm xây dựng, đến nay công trình đã thành công và đạt được mục tiêu ý tưởng ban đầu. Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt có kiến trúc độc đáo, du khách dừng chân tại đây đã được nhìn thấy các bàn xoay đang vuốt gốm, các sóng lượn của sông Hồng, và được đi trên nền quảng trường lát bằng gạch Bát Tràng phục cổ (Do Quang Vinh là đơn vị duy nhất tại Bát Tràng sản xuất). Nội hàm hoạt động ở đây bao gồm:
- Khu trải nghiệm nghề, khu sáng tác gốm nghệ thuật của các hoạ sỹ điêu khắc gốm từ “Hội Mỹ thuật Việt Nam”, khu vườn ươm miễn phí để đón các sinh viên khoa gốm, đồ hoạ, Silicat trong các trường đại học mỹ thuật công nghiệp, Yết Kiêu, Bách Khoa... về thực tập miễn phí tại đây. Có nơi chuyên tổ chức các sự kiện, mời các nghệ nhân, nghệ sĩ, chuyên gia đăng đàn nói về các kinh nghiệm nghiên cứu kỹ thuật các chất liệu xương men của gốm cổ và đương đại; hay các câu chuyện về ý tưởng thiết kế, kỹ thuật sản xuất cho các dòng sản phẩm gốm mỹ nghệ khác nhau nhằm giúp cho ngành gốm mỹ nghệ ngày càng phát triển.
- Khu XTTM cho các làng nghề TCMN và gốm Bát Tràng: Đã có hơn 10 làng nghề TCMN nổi tiếng của Thủ đô và gốm Bát Tràng tinh hoa nhất được trưng bày và bán tại đây với gần 60 ki ốt được miễn phí 100% trong 01 năm.
- Khu trưng bày giới thiệu nghệ thuật đương đại và đấu giá các tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của các nghệ nhân, nghệ sĩ.
- Khu nghệ thuật điêu khắc ánh sáng có một không hai tại Việt Nam.
- Khu ẩm thực tinh hoa đặc sản văn hoá Bát Tràng.
- Khu hội trường có sức chứa khoảng trên 300 khách chuyên tổ chức các sự kiện.
- Khu không gian công viên ngoài trời tại tầng 5 có tầm nhìn đẹp nhìn ra dòng sông đào Bắc Hưng Hải đã đi vào lịch sử nước nhà.
- Khu lưu trú 10 phòng tiêu chuẩn 3 sao.
- Và đặc biệt nơi đây có một Bảo tàng nghề gốm Bát Tràng rất đặc sắc để kể lại câu chuyện gần 1000 năm tuổi của tổ tiên chúng tôi, 23 dòng họ đã rời cố hương Bồ Bát – Yên Mô – Ninh Bình trên những con thuyền mong manh, theo vua Lý Công Uẩn ngược sóng Hồng Hà về đây dựng lên làng Bát Tràng trù phú như hôm nay.
Với hàng trăm câu chuyện hay về nghề và nếp sống văn hoá đời nối đời của người dân Bát Tràng quê tôi, Bảo tàng nghề gốm Bát Tràng là ngôi nhà chung của 19 dòng họ gốc sinh sống chung nhiều đời tại làng gốm cổ Bát Tràng. Các sản phẩm trưng bày ở đây đều là các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ nhân tại quê gốm Bát Tràng.
Và từ đây chúng tôi sẽ đưa du khách về thăm làng gốm cổ Bát Tràng có gần 1000 năm tuổi, với các con ngõ nhỏ như giao thông hào, tường cao vút như chứa đựng đầy ắp văn hoá của một làng nghề nổi tiếng của nhiều đời.
Kính thưa hội nghị:
Chúng tôi, cộng đồng làng nghề của Thủ đô đang hàng ngày lưu giữ bản sắc văn hoá của mình, đang làm nghề mưu sinh mà cha ông đã truyền cho, đồng thời đang nỗ lực hội nhập với hơi thở của một nền kinh tế hội nhập sâu rộng mà Việt Nam đã và đang hướng tới. Chúng tôi đã và đang ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất của mình, ra đa dạng từng dòng sản phẩm, mang theo tinh hoa nghề nhưng vẫn đủ sức cạnh tranh. Chúng tôi tham gia OCOP để khẳng định thương hiệu của mình, đặc biệt chúng tôi mong muốn gắn kết giữa nghề, thương hiệu sản phẩm OCOP và truyền thống của chúng tôi để làm du lịch cộng đồng, để được kể thật nhiều câu chuyện hay của nhiều đời trong các làng nghề nổi tiếng của Thủ đô, góp phần nhỏ bé trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá mà Nghị quyết 09-NQ/TU đã đề ra.
Kính thưa hội nghị:
Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt là mô hình doanh nghiệp xã hội đến nay chưa khai trương, mới đang trong quá trình chạy thử nghiệm. Tuy vậy, trong dịp lễ 30/4 – 1/5 chúng tôi đã đón gần 5000 lượt khách mỗi ngày và đang là điểm đến hấp dẫn cho cho du khách trong và ngoài nước.
Hiện tại Trung tâm đang hoàn tất thủ tục để xin Thành phố cho phép thành lập Bảo tàng nghề gốm Bát Tràng tại đây, song có nguy cơ không xin được giấy phép mặc dù Sở Văn hoá Hà Nội đã tận tình trợ giúp hướng dẫn các thủ tục cần thiết. Hội đồng Khoa học cấp sở đã đến khảo sát và đánh giá cao nhưng do quy định của nhà nước, bảo tàng có chứng nhận quyền sử dụng đất ở địa phương nào thì địa phương đó mới được cấp giấy chứng nhận bảo tàng. Hiện trạng của bảo tàng về địa giới hành chính vẫn đang nằm trong khu dân cư của thôn 2 thuộc Làng gốm cổ Bát Tràng.
Về địa giới địa lý, cả một dẻo của thôn 2 này nằm liền kề bờ kênh Bắc Hưng Hải từ những năm 1959-1960. Khi làng Bát Tràng hiến gần nửa làng để tạo nên cửa ngõ của con sông này thì Quốc hội đã giao quyền quản lý địa giới địa lý 2 bờ kênh này cho Hưng Yên, vì vậy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chủ đầu tư bảo tàng là Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh lại do Hưng Yên cấp.
Vì vậy trong hội nghị quan trọng này, thay mặt chủ đầu tư và Hiệp hội TCMN và Làng nghề Hà Nội, xin kính trình thành phố trợ giúp khó khăn này trong điều kiện đặc thù để Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt được có giấy phép hoạt động Bảo tàng nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) cho đúng thủ tục pháp lý, để được khai trương trong thời gian sớm nhất.
Tôi xin dừng bài tham luận tại đây. Một lần nữa tôi xin thay mặt cộng đồng các làng nghề của thủ đô xin trân trọng cảm ơn Thành uỷ, Ban tổ chức cho tôi được tham luận tại hội nghị quan trọng này. Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố, các vị khách quý, quý vị đại biểu sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. Xin chúc hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!