Một số mô hình lò gốm tiêu biểu ở Bát Tràng

Gốm là sản phẩm kết tinh của các yếu tố tự nhiên, đất, nước, lửa - ba trong năm yếu tố của Ngũ hành tương sinh. Trong sản xuất, con người là trung tâm, kỹ thuật, nguồn nguyên- nhiên liệu, dụng cụ, phương tiện, cơ sở sản xuất là các yếu tố quyết định nên sự thành bại trong nghề. Trong đó, cơ sở vật chất - kỹ thuật là quan trọng nhất của nghề gốm; người làm nghề làng Bát đã đúc kết: “… Đào phôi tập hỏa lưỡng tương nghi” (hàng mộc không thể tách rời lò nung); nếu không qua lò lửa đỏ, gốm cũng chỉ là sản phẩm mộc mà thôi. Lò và lửa quyết định sự thành bại quá trình sản xuất gốm.

Một lò gốm ở Bát Tràng thường có diện tích tối thiểu trên 1000 m2 (gồm lò 500 m2, cùng nơi xếp các đồ phơ, sản phẩm, củi đun, đá hộc, gạch chồng lò...). Nền lò thường cao, để khi trời mưa to, nước không tràn vào lò, vào mùa mưa, nước không ngập. Với những kinh nghiệm trong nghề, lò gốm ở Bát Tràng đạt hiệu quả cao khi nung sản phẩm; dù lò đang ở nhiệt độ cao, người đi bên ngoài vẫn không cảm thấy nóng. Người Bát Tràng đã sử dụng khá nhiều loại lò nung khác nhau, tùy thuộc vào từng giai đoạn lịch sử, nguồn nguyên, nhiên liệu, loại hình sản phẩm và nhu cầu sản xuất. Nhưng có thể nói, mỗi kiểu lò đều có tính ưu, nhược khác nhau và càng về sau thì những nhược điểm càng được khắc phục và cải tiến phù hợp với điều kiện sản xuất hơn. Giai đoạn đầu, người Bát Tràng dùng ếch là loại lò gốm cổ nhất nước ta, có dáng như một con ếch nằm, dài khoảng 7 mét, bề ngang chỗ phình rộng nhất khoảng 3-4 mét. Đây là loại lò được cấu trúc nhằm tăng dần nhiệt độ bên trong, dung tích chứa sản phẩm và đặc biệt là hệ thống thông khói kết hợp với việc giữ nhiệt và điều hòa nhiệt trong lò. Trong quá trình vận hành người thợ đã thấy nhược điểm của lớp đất gia cố và thay vào đó bằng lớp gạch mộc và vữa ghép bằng loại đất làm gạch. Phát hiện ngẫu nhiên này đã tạo ra những viên gạch Bát Tràng nổi tiếng. Lò xuất hiện ở Bát Tràng vào khoảng thế kỷ XVII, nhiên liệu đốt là cỏ, rơm rạ và củi. Nguyên liệu được khai thác từ 72 gò Bạch Thổ quanh làng, sản phẩm chính là gạch, bát, đĩa. Nguồn tư liệu về loại lò này hiện nay không còn, những người làm nghề nay cũng không còn nhớ nhiều vì vậy, việc phục chế để phục vụ cho trưng bày tại đây chưa thực hiện được.

Ở đây, chúng tôi phục chế lại hình dáng theo kích thước nhỏ 3 trong số các loại lò cũ tiêu biểu và thịnh hành trong sản xuất gốm từ thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XX.

Ba mô hình lò tại Không gian nghề gốm Bát Tràng Xưa & Nay. Từ trái: Lò đàn, lò bầu, lò đừng

Lò đàn xuất hiện đầu thế kỷ XVIII. Lò xây dựng với những cấu kiện hoàn chỉnh và có tính năng giữ nhiệt cao. Bề rộng 4  mét, bầu lò sâu 9 mét, ngang 2,5 mét, cao 2,6  mét, thiết kế theo kiểu cuốn tò vò. Bên trong chia ra 10 bích bằng nhau, phân cách nhau bằng 2 nống (cột). Cửa lò rộng 0,9 mét, cao 1,2 mét để người thợ vào chồng lò và dỡ lò. Gáy lò là những buồng thu khí qua ba cửa hẹp. Khói thoát ra từ bích đậu theo hai ống thu dần tới miệng. Hông lò kéo dài và ôm lấy buồng thu khói nhằm để giữ nhiệt cho lò khi nung. Lớp vách trong ghép bằng gạch Bát Tràng, lớp vách ngoài xây bằng gạch dân dụng. Mặt dưới của cật lò gần như phẳng, còn mặt trên khum vòng lên tựa như con thuyền úp. Cật lò được tạo bằng hỗn hợp đất sét Cổ Điển với gạch chín vỡ hoặc gốm vỡ nghiền nhỏ. Hai bên cật, từ bích 2 đến bích 9 ứng với khoảng giữa mỗi bích có 2 cửa nhỏ hình tròn đường kính khoảng 0,2 mét gọi là các lỗ dòi để ném nguyên liệu vào trong. Riêng bích đậu, lỗ dòi rộng hơn nửa mét. Nhiệt độ lò đàn có thể đạt được khoảng 10000C. Sản phẩm chính là gạch, bát, đĩa. Nguồn nguyên liệu chủ yếu khai thác ở Vạn Lộc (Đông Anh), và Cổ Điển (Thanh Trì). Nhiên liệu đốt lò là củi. 

Đến khoảng những năm 30 của thế kỷ XX, lò bầu hay lò rồng xuất hiện. Đây là lò có cấu tạo nhiều bầu, thường có 5-7 hay 10 bầu tùy theo nhu cầu. Bầu có vòm cuốn liên tiếp vuông góc với trục tiêu, trông như năm, bảy mảnh vỏ sò úp với nhau. Vòm cuốn lò dùng loại gạch chịu lửa. Độ nghiêng của trục lò so với phương nằm ngang từ 12-15 độ. Lò bầu có thể tích khoảng 50-70m3. Nhiệt độ lò có thể đạt 1300 0C. Ưu điểm lớn của lò này là có thể điều khiển chế độ nhiệt thích hợp theo yêu cầu của quá trình biến đổi hóa lý phức tạp và cho phép nung được những sản phẩm lớn và có chất lượng cao. Nhiên liệu đốt lò là củi. Nguyên liệu sản xuất lúc này được khai thác ở các vùng xa hơn như Tử Lạc, Bích Nhôi, Trúc Thôn thuộc tỉnh Hải Dương.

Đến thập niên 80 lò hộp hay còn gọi là lò đứng xuất hiện. Lò được xây bằng gạch chịu lửa, cao khoảng 5 mét, rộng 0,9 mét. Kết cấu lò đơn giản, có hai cửa ở hai đầu, chiếm ít diện tích và chi phí thấp, thích hợp cho các gia đình sản xuất nhỏ. Nhiệt độ trung bình có thể đạt đến 12500C. Sản phẩm chính là bát, đĩa, bình, lọ... Nhiên liệu đốt là than, củi.

Có thể thấy, lò nung gốm ở Bát Tràng đã có những bước cải tiến ứng với việc sản xuất ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, song có một công thức chung về kích thước và vận dụng tốt các nguyên tắc vật lý trong việc xây cất nên tạo ra kỹ thuật tối ưu so với các loại lò gốm cổ ở nước ta trước đây. Lò gốm ở Bát Tràng vận dụng nguyên lý “Hỏa thăng thượng” (lửa bốc lên) và “Hỏa sinh phong” (có lửa ắt sinh thành gió) để lửa được cháy đều và thông khói.

Tuy nhiên, từ những năm đầu của thập niên 90, do nhược điểm chiếm nhiều diện tích, ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt sức khỏe con người nên các loại lò này đã được thay thế bởi lò con thoi đốt bằng điện, ga. Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Công ty gốm sứ Quang Vinh chính là người đã tiên phong cho công nghệ đốt lò này tại làng gốm Bát Tràng.

Có thể nói, các loại lò này dù có những ưu, nhược riêng nhưng nó đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình, đó là đưa một làng nghề sản xuất gạch, bát, đĩa trở thành một làng nghề sản xuất các loại hình gốm xuất khẩu nổi tiếng trong lịch sử và ngày càng vươn ra thị trường toàn cầu. Xứng đáng với danh xưng ngôi làng sản xuất gốm “không bao giờ tắt lửa”.

Trúc Tiên