Độc đáo - Nguồn nhiên liệu đốt lò cổ ở Bát Tràng

Cùng với các lò gốm, các lồng củi, tường than nhem nhuốc là nét riêng của làng gốm Bát Tràng. Người ở xa làng vài cây số đã trông thấy các làn khói cuồn cuộn, bốc lên từ các lò nung bát. Khi đến gần trông thấy các lồng củi cao ngất xếp ở bờ sông. Đấy là “dấu hiệu” nhận biết sắp hay đã đến địa phận làng Bát Tràng.

Bát Tràng được mệnh danh là làng nghề “chưa bao giờ tắt lửa”. Nối nghiệp cha ông giữ lửa nghề, bao lớp nghệ nhân thợ giỏi của làng vẫn miệt mài sáng tạo, khẳng định tinh hoa của làng nghề trên từng dòng sản phẩm. Để giữ được thương hiệu của mình trên thị trường, người làm nghề phải luôn không ngừng sáng tạo, cải tiến kỹ thuật để đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Một trong những sự thay đổi lớn nhất đó là lò nung gốm, khi cơ sở sản xuất thay đổi thì nguồn nhiên liệu – chất đốt cũng phải thay đổi tương ứng, phù hợp.

Các tài liệu nghiên cứu và khảo sát thực địa làng nghề cho thấy, làng Bát Tràng đã trải qua hầu hết các loại lò nung gốm truyền thống. Theo ghi chép lò ếch là lò cổ, xuất hiện tại làng nghề khoảng thế kỷ XVII, dùng để nung các sản phẩm như, gạch, bát, đĩa. Nguồn nhiên liệu chính đốt lò là cỏ, rơm, rạ và củi. Đến thế kỷ XVIII lò đàn ra đời thay thế lò ếch. Loại lò này có thể khối lớn hơn và ưu thế hơn so với lò cũ, sản xuất được nhiều sản phẩm hơn vì vậy nhiệt lượng tiêu thụ đòi hỏi ổn định, củi là nhiên liệu chính để đốt lò.

Khi nhu cầu thị trường đòi hỏi số lượng sản phẩm lớn, cơ sở sản xuất phải được mở rộng, lò bầu (lò rồng) ra đời thay thế lò đàn. Lò bầu được xây dựng vào khoảng những năm 30 của thế kỷ XX. Lò có cấu tạo nhiều bầu, thường có 5-7 hay 10 bầu, thể tích khoảng 50-70m3  tùy theo nhu cầu. Nhiên liệu đốt lò là củi, nhiệt độ có thể đạt 1300 0C. Ưu điểm nổi trội là có thể điều khiển chế độ nhiệt thích hợp theo yêu cầu của quá trình biến đổi hóa lý phức tạp, cho phép nung được những sản phẩm lớn, chất lượng cao.

Đến những năm cuối thế kỷ 20 (năm 1975), lò hộp (lò đứng) xuất hiện. Lò được xây bằng gạch chịu lửa, cao khoảng 5 mét, rộng 0,9 mét. Kết cấu lò đơn giản, dáng hình hộp, đứng; lò có hai cửa ở hai đầu, chiếm ít diện tích và chi phí thấp, thích hợp cho các gia đình sản xuất nhỏ. Nhiên liệu đốt lò là củi và than, nhiệt độ trung bình có thể đạt đến 12500C.

Có thể thấy, nhiên liệu đóng vai trò quan trọng trong việc nung gốm tạo nên sự thành bại cho từng chuyến nung lò. Vì vậy, người làm nghề làng Bát rất coi trọng việc chọn, xử lý nhiêu liệu để đảm bảo chất lượng tốt nhất khi nung. Trong đó, có thể nói củi và than là hai nhiên liệu gắn bó lâu với nghề sản xuất gốm và được người làm nghề cẩn trọng trong việc sơ chế, xử lý.

Trước hết là củi, củi được lấy từ gỗ tạp. Gọi là gỗ tạp nhưng không phải loại gỗ nào cũng được dùng để nung lò, trừ các loại gỗ sung, đa, gạo, vối, còn các loại gỗ khác đều có thể dùng để đốt lò. Theo kết quả điều tra hồi cố, trước năm 1945, mỗi tháng các lò gốm ở Bát Tràng phải dùng đến trên dưới 2000 khối củi. Để đáp ứng đủ lượng củi này, trong làng có một số người chuyên buôn bè. Họ ngược lên các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái và Hòa Bình (vùng Chợ Bờ) xin đốn rừng, mở lối gỗ, thuê người đẵn gỗ, đóng bè, theo các dòng sông về tập kết ở bến Bát Tràng. Khi về đến bến làng bè được vớt lên tháo các cây gỗ ra khỏi phiến bè, kéo vào bờ. Ở đây có cả đội nhân công làm các công việc khác nhau. Họ hợp thành các phường vớt bè, phương cưa củi, bổ củi, chồng củi, mỗi phường có người đứng đầu gọi là “sứ cả”. Khi bè củi về, chủ bè báo sứ cả để điều động nhân công tới làm. Các công việc đều làm khoán, như kéo gỗ từ sông lên xếp thành “chạn gỗ” tính theo cây; cưa củi, bổ củi, chồng củi thì tính công theo thước.

Các cây gỗ từ bè vớt lên, xếp thành từng chạn ở trên bờ sông. Vài tháng sau, khi gỗ đã khô, chủ bè gọi phường cưa củi đến “bắn” (chuyển) các cây gỗ này xuống khỏi chạn. Số gỗ tạp được đem làm củi. Phường cưa củi cưa các cây gỗ thành từng đẫn (hay từng khúc), mỗi đẫn dài độ một mét. Mỗi phường cưa thường có 4 - 5 cặp cưa, làm việc cùng một lúc.

Các đẫn củi sau đó được chuyển cho phường bổ củi và chồng củi. Họ dùng cái búa khá nặng bổ các đẫn củi thành 5,7 mảnh lớn, gọi là “phác củi” hay “củi phác”. Từ củi phác này, tùy theo yêu cầu của việc đốt lò có thể bổ ra thành các thanh nhỏ hơn, gọi là “củi bưởng” và “củi đậu”.

Củi phác sau đó được xếp thành từng lồng cao một như cái tháp. Chồng một lồng củi phải áp dụng luật thăng bằng, làm sao cho được thẳng đứng, khỏi nghiêng, đổ. Bắt đầu xếp quây hình bát giác vài lớp ở dưới bằng các đẫn củi, đẫn ở trên đè lên đầu hai đẫn dưới, càng lên cao, hình bát giác càng bị thu hẹp, song vẫn tạo ra khoảng rỗng ở giữa. Tốp thợ chồng củi chia ra thành hai toán, toán ở dưới khuân củi, rồi chuyền dần cho những người đứng cao hơn. Cứ thế họ trèo mãi lên cao, hai chân đứng dạng ở phía trong lồng củi, tạo tư thế vững chãi bắt gọn gàng từng phác củi ở dưới tung lên mà khối củi không có dấu hiệu suy chuyển.

Lồng củi thường xếp cao 5 -7 mét, có khi đến 10 mét. Trên cùng đặt một đẫn củi to bằng 3 phác củi nhằm giữ, chặn cho các phác củi khỏi rơi, khỏi đổ. Các lồng củi trông như một tòa tháp, cứ để như vậy, nắng và gió sẽ làm cho củi khô dần. Khi cần đem củi vào đun lò, người ta dỡ xuống và cho gánh củi vào lò.

Mô hình lồng củi tại Không gian nghề gốm Bát Tràng Xưa và Nay

Gánh củi bằng một thứ quang riêng, mỗi bên quang lấy hai cây song, bắt hai đầu lại theo hình Alpha, phía ráp nhau có cột một khúc dây thừng, khi gánh thì mở ra, không thì cụp lại, rất tiện dụng.  

Các chạn củi phác và củi bưởng được phơi ngoài trời, phơi sương nắng cho nỏ mới đem sử dụng. Theo kinh nghiệm của các chủ lò, thanh củi khi dỡ ném xuống đất kêu “choang” mới gọi là khô, nỏ, đạt tiêu chuẩn để đun lò. Sau vài tháng dầm mưa dãi nắng ngoài trời, nhiều thanh củi (nhất là các thanh có vỏ) gặp nước dễ lên mọc nhĩ. Trẻ con trong làng thường ra thu hái về. Chúng trèo lên cao mà chạn củi không hề suy chuyển, chứng tỏ được xếp rất chắc chắn.

Sau khi người Bát Tràng chuyển sang sử dụng lò đứng, than cám trở thành nguồn nguyên liệu chính, còn củi chỉ để nhóm lò. Than lấy từ Quảng Ninh vận chuyển về bằng thuyền theo các sông nhỏ, vào sông Hồng đến bến Bát Tràng, dùng gánh và xe đẩy vào nhà làm. Để sử dụng được, than cũng phải qua quy trình sơ chế: đem nhào trộn kỹ với than bùn theo tỷ lệ nhất định, để có thể đóng thành khuôn hay nặn thành bánh nhỏ phơi khô. Cách phơi phổ biến là nặn than ướt rồi đập lên tường khô, vừa để không mất diện tích mặt bằng phơi, vừa do tường hút nước nhanh và than chóng kết cứng, có thể dùng được ngay. Nhiều chủ lò còn tận dụng nắm than đắp ngoài lò để khi nung nhờ sức nóng của lò hong khô than. Đây là nét đặc trưng của làng gốm Bát Tràng.

Khách quan quan chụp ảnh kỷ niệm bên những nắm than trên tường 

Sau khi lò gas, điện thay thế dần lò nung truyền thống, củi và than không được sử dụng để nung lò. Vì vậy, bến sông làng không còn thấy bè củi, các ngõ vào làng không còn thấy củi, than phơi tràn lối đi. Nhưng những dấu vết của than trên tường các con ngõ nhỏ làng cổ vẫn còn đó như một minh chứng mà thời gian không thể xóa nhòa, đó là một phần ký ức của người làng nghề Bát Tràng. Công chúng có thể tìm đến miền ký ức đó tại Không gian nghề góm Bát Tràng Xưa và Nay.

 TS Nguyễn Thu Hiền