Chuông gốm

Khi nói đến chuông, người ta thường nghĩ ngay đến vật phát ra âm thanh, thường được dùng trong các tu viện, nhà thờ, chùa… mục đích để báo hiệu. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn giới thiệu một chiếc chuông độc đáo và duy nhất của làng Bát Tràng, đó là chuông gốm.

Sinh ra và lớn lên tại làng gốm Bát Tràng, chàng trai Nguyễn Tuấn Minh, sinh năm 1996, cháu ngoại dòng họ Lê - Bát Tràng đã sớm có niềm đam mê với nghề sản xuất gốm thủ công truyền thống. Chuông gốm hiện được trưng bày tại Không gian nghề gốm Bát Tràng Xưa và Nay là một trong những sản phẩm được anh dành rất nhiều tâm sức để hoàn thành. Lấy nguyên mẫu từ chiếc chuông đồng treo ở đình làng Bát Tràng, song trong quá trình sản xuất, nung đốt do co ngót nên sản phẩm ra lò vẫn có sai số về kích thước so với chuông đồng. Sau lần đầu thử nghiệm không thành công, chuông sau khi ra lò đã bị nứt, vỡ phần miệng. Quyết không bỏ cuộc, chàng trai trẻ có niềm đam mê với nghề đã quyết tâm làm lại và nghề đã không phụ người. Chiếc chuông được giới thiệu ở đây có kích thước: cao 86 cm, rộng miệng: 45 cm; quai cong dài: 36 cm, nặng: 60 kg; được treo trên giá gỗ cao 1,45 cm; rộng 1,47cm. Nguyên liệu làm chuông là đất sét pha thêm cao lanh, đất được khai thác ở vùng Trúc Thôn, Hải Dương. Thân chuông có màu tràm cổ - màu men tiêu biểu của gốm thời Mạc, thường có sắc xanh chì đến đen sẫm. Trên chuông chia làm 3 băng trang trí, phân cách bởi 2 đường chỉ nổi chạy quanh thân: quai đắp nổi đôi rồng thân cuộn vào nhau đầu hướng về 2 phía, băng trên trang trí tản vân, băng giữa khắc minh văn, hai bên là 2 giải băng chữ vạn cách điệu trên nền gấm, dưới đắp nổi 4 hình Nhật - Nguyệt đăng đối chia đều quanh thân; chân giật cấp trên đắp nổi băng hoa cúc. Minh văn trên chuông do GS. AHLĐ. Vũ Khiêu cảm tác tặng, nội dung như sau:

             Kể từ thuở

Ngược sóng Hồng Hà

Dựng phường Bạch Thổ

Mở mang gạch gốm nghề xưa

Theo đuổi bút nghiên nếp cũ

Ơn thành hoàng sáu vị chở che

Đời dân chúng, một vùng trù phú.

               Ngày hôm nay

Trời Bát Tràng bát ngát mây xanh

Bến Nhị Thủy dạt dào sóng đỏ

Đúc chuông đồng một quả kính dâng

Mong bệ ngọc chín tầng thấu tỏ

Tấc dạ chân thành

Muôn phần ngưỡng mộ

            Rồi đây nữa

Chuông vang xa: đức lớn thần linh

Chuông vọng lại: hồn thiêng kim cổ

Chuông reo khắp chốn gia hương

Chuông đến tận người biệt xứ

Hướng nẻo văn minh

Mở đường tiến bộ.

           Vẻ vang thay

Gốm Bát Tràng mỹ lệ cao siêu

Dân Bát Tràng thông minh tài tú

Ngàn năm thắng lợi vẻ vang

Muôn dặm thành công rực rỡ.

Ý tưởng đúc chuông treo trong không gian này một phần vì nội dung trên chuông phản ánh nguồn gốc lịch sử của làng Bát, một phần là minh chứng cho việc sản xuất gốm thủ công có thể khối lớn của làng nghề hiện nay.

 

Nghệ nhân Nguyễn Tuấn Minh - tác giả chuông gốm (ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhưng thực tế, việc sản xuất các loại hình sản phẩm có kích thước lớn, độc, lạ sẽ mất rất nhiều thời gian và nhiều rủi ro. Nguyên nhân rủi ro có thể đến từ nhiều phía như, khâu chọn nguyên liệu chưa phù hợp, việc kiểm soát nhiệt độ nung chưa chuẩn dẫn đến sản phẩm ra lò vỡ, nứt, cong vênh; màu men chưa chuẩn, đường nét trên đồ không sắc… Sau chiếc chuông đầu thất bại, anh Minh anh chia sẻ: lần đầu làm do chọn nguyên liệu chưa chuẩn nên sau khi sản phẩm ra lò đã bị nứt; rút kinh nghiệm, chiếc này anh chọn nguyên liệu kỹ hơn và từ khi làm đến khi ra lò mất rất nhiều thời gian nghiên cứu hoa văn, kỹ thuật cũng như cách pha chế men, làm sao cho giống men tràm cổ của làng Bát. Thời gian hoàn thành khoảng 80 ngày, trong đó nung đốt trong 3 ngày liên tục và dỡ lò phải chờ khô 2 tháng”.

Có thể nói, nghề nào cũng lắm công phu, nhưng với nghề sản xuất thủ công truyền thống, ngoài kinh nghiệm, kỹ thuật, mỹ thuật đạt đến độ chín thì để nuôi dưỡng nghề cần phải có một tình yêu mãnh liệt với gốm để mỗi sản phẩm khi ra lò “đất sẽ hóa nên vàng”. Chuông gốm được trưng bày ở đây là sản phẩm trang trí, chất chứa trong đó là một tình yêu với nghề của những lớp người trẻ đang nối nghiệp cha ông mình gìn giữ lửa nghề.

Nguyễn Thu Hiền